Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn: Quyết định số 517/QĐ-TTg tạo đột phá về công tác cán bộ, phong trào nông dân
Việc bồi dưỡng nông
dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chi hội trưởng, cán bộ Hội
Nông dân các cấp không chỉ giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo
mà còn góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Quyết định 517 /QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ tạo sự đột phá về cán bộ và phong trào nông dân.
Quyết định số 517 ban hành đúng thời điểm
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn
kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào lớn, trọng tâm của
Hội Nông dân Việt Nam.
Mô hình nuôi hươu lấy nhung của nông dân sản xuất
kinh doanh giỏi tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn
Trong những năm qua, phong trào ngày càng phát triển sâu
rộng, thu hút đông đảo hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế
xã hội ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, tạo thêm công ăn
việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.
Đơn cử như tại Bắc Kạn, trong giai đoạn 2021 - 2024, toàn
tỉnh đã có tổng số 44.892 lượt hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu nông dân sản
xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi
các cấp là 15.527 lượt hộ. Bình quân hằng năm có 11.223 hộ đăng ký; 5.175 hộ
đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Tỉnh Bắc Kạn biểu dương nông dân sản xuất kinh
doanh giỏi giai đoạn 2021-2024. Ảnh: Chiến Hoàng
Có thể khẳng định, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh
doanh giỏi đã khơi dậy, khích lệ, động viên nhiều hộ nông dân có ý thức vươn
lên trong cuộc sống; hộ nghèo phấn đấu thoát nghèo, hộ giàu phấn đấu ngày càng
giàu thêm, cuộc sống vật chất tinh thần ngày càng được cải thiện.
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã
góp phần giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo tại Bắc Kạn. Cụ thể: Năm 2021 số hộ hội
viên nghèo là 14.933 hộ, chiếm 29,3% so với tổng hội viên; năm 2023 số hộ hội
viên nghèo giảm còn 13.879, chiếm 27,37% so với tổng số hội viên, giảm 1.054
hộ. Năm 2024 số hộ hội viên thoát nghèo giảm 1.042 hộ, chiếm 10,1% tổng số hội
viên.
Ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Bắc Kạn chia sẻ về sự quan trọng của Quyết định số 517/QĐ/TTg của Thủ tướng
Chính phủ đối với sự phát triển phong trào nông dân. Ảnh: Chiến Hoàng
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ
tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt
được, phong trào nông dân tại tỉnh Bắc Kạn vẫn còn một số hạn chế nhất định.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn khẳng định, Quyết định số
517/QĐ-TTg ngày 5/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Bồi
dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp, chi hội trưởng nông dân và nông dân sản
xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc giai đoạn 2025 – 2030" là cơ sở
quan trọng để tỉnh Bắc Kạn khắc phục những hạn chế về cán bộ và phong trào nông
dân. Chính vì đó, Quyết định 517/QĐ-TTg đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ
các cấp hội và hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Tính đột phá của Đề án
Theo ông Điệp, đối tượng của Đề án "Bồi dưỡng cán bộ Hội
Nông dân các cấp, chi hội trưởng nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,
nông dân xuất sắc giai đoạn 2025 – 2030" được mở rộng hơn. Về nội dung có
nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Các chương trình bồi dưỡng có các chuyên đề
mới về kiến thức hội nhập quốc tế, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi
số trong nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, thương mại điện
tử…
Một lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn
năm 2024 về chăn nuôi đàn gia súc lớn. Ảnh: Chiến Hoàng
"Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ
hội nhập và chuyển đổi số. Việc bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp không chỉ
giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo mà còn góp phần xây dựng tổ
chức Hội vững mạnh. Cán bộ Hội là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nông
dân, do đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ này sẽ giúp truyền tải chủ trương,
chính sách hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học công nghệ,
ứng dụng vào sản xuất. Bên cạnh đó, chi hội trưởng nông dân là lực lượng nòng
cốt, trực tiếp triển khai các hoạt động của hội đến cơ sở; họ cần được trang bị
kỹ năng quản lý, điều hành, tổ chức phong trào để phát huy vai trò tiên phong
trong công tác vận động, hướng dẫn nông dân", Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Bắc Kạn nhận định.

Bà Phạm Thị May - Nông dân Việt Nam xuất sắc
2024, doanh thu 4,8 tỷ đồng/năm với mô hình trồng rừng và chế biến gỗ rừng
trồng đang kiểm tra chất lượng gỗ băm tại xưởng gỗ bóc của gia đình ở thôn
Phiêng Luông, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng
Còn đối với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xuất
sắc, ông Điệp cho rằng, việc đào tạo không chỉ giúp họ nâng cao trình độ quản
lý trang trại, hợp tác xã mà còn tạo điều kiện để họ dẫn dắt, lan tỏa kinh
nghiệm, giúp cộng đồng cùng phát triển.
"Đề án này không
chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông dân, mà còn góp phần thúc đẩy
sản xuất nông nghiệp hiện đại, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có
năng lực quản lý và đổi mới sáng tạo. Chúng tôi kỳ vọng giai đoạn 2025 - 2030,
tỉnh Bắc Kạn sẽ có thêm nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, tạo động lực phát
triển kinh tế nông thôn", Chủ
tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn tin tưởng, khẳng định.
Đề án "Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân
các cấp, chi hội trưởng nông dân và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân
xuất sắc giai đoạn 2025 - 2030" tập trung vào các nội dung, như: Bồi dưỡng
kiến thức về quản lý, tổ chức hoạt động Hội, kỹ năng tuyên truyền, vận động
nông dân. Đào tạo về sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp
xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hướng dẫn kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số
trong nông nghiệp, quản trị trang trại, hợp tác xã theo mô hình hiện đại. Tổ
chức các lớp học thực tế, tham quan mô hình nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài
tỉnh. Kết nối với doanh nghiệp, chuyên gia, viện nghiên cứu để nâng cao năng lực
hội nhập, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Việc đào tạo sẽ được thực hiện theo hình
thức trực tuyến và trực tiếp, tận dụng nền tảng số để mở rộng phạm vi tiếp cận,
đảm bảo mọi đối tượng nông dân có thể tham gia. (Ông Nguyễn Đình
Điệp, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn)./.
Nguồn: Chiến Hoàng/danviet.vn