image banner
12/09/2013
Lịch sử hình thành và phát triển Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn

1. Lịch sử đấu tranh của nông dân Bắc Kạn

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Ngay sau khi ra đời, Đảng đã phát động phong trào đấu tranh cách mạng rộng lớn trên cả nước, đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh (1930-1931).

Là địa bàn nằm giữa khu vực sớm có phong trào cách mạng, nhưng Bắc Kạn là vùng sâu, vùng xa với núi rừng hiểm trở, dân cư thưa thớt, lại bị thực dân Pháp kiểm soát chặt chẽ, nên việc tuyên truyền và phát triển phong trào cách mạng trong buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, nông dân Bắc Kạn đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh, trở thành lực lượng đông đảo, nòng cốt của cách mạng và được tập hợp trong các tổ chức như Hội tương tế, Hội ái hữu.

Cuối năm 1941 đầu năm 1942, khu vực phía Bắc Chợ Rã chịu ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ của phong trào cách mạng ở Bảo Lạc (Cao Bằng), nhất là khi các đồng chí Hồng Tụ, Mệnh Lệnh, Hồng Đào, Hồng Tỵ đến Chợ Rã để gây dựng cơ sở và củng cố phong trào cách mạng. Trong các làng bản, hầu hết nông dân đã gia nhập Hội Nông dân cứu quốc. Tiếp đó, Ban Việt Minh liên xã Cao Minh (gồm ba xã Cao Tân, Cao Thượng, Cổ Linh) được thành lập. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên ở vùng cao Chợ Rã và cũng là tổ chức cách mạng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn.

Tháng 9/1943, ngay sau cuộc mít tinh ở Khưa Vài, với sự có mặt của đồng chí Võ Nguyên Giáp, dưới chân thác nước khu Nà Coỏng Tát (Bản Duồm, Thượng Ân,Chi bộ Nam Tiến tổ chức kết nạp những đội viên trung kiên đầu tiên như Thành Tâm (Đồng Văn Bằng), Đông Sơn (Doanh Hằng) vào Đảng; đồng thời tuyên bố thành lập Chi bộ Chí Kiên - do đồng chí Dương Mạc Hiếu làm Bí thư. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kạn, đánh dấu bước ngoặt trong phong trào cách mạng Bắc Kạn.

Xuất phát từ tình hình cụ thể của địa phương, ngày 22-1-1944, Ban chỉ đạo Nam Tiến quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn và chỉ định các đồng chí Nông Văn Lạc, Dương Mạc Hiếu, Tùng Vân vào Ban Cán sự lâm thời; thành lập Tỉnh bộ Việt Minh gồm ba đồng chí: Đồng Văn Bằng, Doanh Hằng, Nông Công Tú, do đồng chí Đồng Văn Bằng làm Chủ nhiệm. Sự ra đời của Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn và Tỉnh bộ Việt Minh đánh dấu bước trưởng thành, tạo tiền đề quan trọng cho thời kỳ vùng dậy đấu tranh oanh liệt của nông dân và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Mặt trận Việt Minh và chính quyền các cấp, nông dân Bắc Kạn tích cực tham gia xây dựng khu Giải phóng. Nhiều chủ trương, biện pháp đã được triển khai như bầu cử chính quyền cách mạng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển các lớp xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hoá. Ở một số địa phương như Chợ Rã đã tiến hành chia lại ruộng công, thực hiện giảm tô, giảm tức, hoãn nợ... Những việc làm đó đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, tạo ra các điều kiện vật chất cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ngày 21/08/1945, nông dân và nhân dân vùng giải phóng cùng các đơn vị quân giải phóng, lực lượng tự vệ từ nhiều hướng tiến vào thị xã. Nông dân và quần chúng cách mạng đổ ra đường hoan hô quân giải phóng và các đại biểu quân, dân, chính. Quân đội Nhật hoảng sợ, tập trung vào một chỗ để quân ta tiếp thu các công sở.

Ngày 23/8/1945, tên lính Nhật cuối cùng rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Ngày 25/8/1945, hàng nghìn nông dân, quần chúng cách mạng tham gia mít tinh ở thị xã. Đại diện Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố chính thức xoá bỏ toàn bộ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng và giới thiệu thành phần Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh, trong đó phần nhiều xuất thân từ nông dân.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bắc Kạn thắng lợi đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, trong đó có sự đóng góp to lớn của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, Mặt trận Việt Minh và Hội Nông dân Cứu quốc mặc dù mới chỉ hình thành tổ chức và hoạt động ở cấp xã.

Trong suốt những năm đấu tranh gian khổ dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân Bắc Kạn anh dũng, kiên cường đã viết nên những trang sử hào hùng với những chiến công chói lọi. Nông dân và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và của cải để bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa người dân từ thân phận nô lệ lên địa vị của những người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Mặt trận Việt Minh tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cuộc vận động, tập hợp nông dân và quần chúng nhân dân. Đặc biệt những năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, các Hội đoàn như: Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc là những đoàn thể quần chúng có ảnh hưởng sâu rộng trong cả nước. Mặt trận Việt Minh đã phân công các cán bộ xuống bản, làng với phương châm tranh thủ nông dân, nhân dân ủng hộ kháng chiến, nhằm khơi dậy lòng yêu nước của nông dân, đưa họ vào Hội Nông dân Cứu quốc của Mặt trận. Đồng thời vận động nông dân tích cực sản xuất, xây dựng nông thôn, phát triển kinh tế, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho bộ đội và dân quân, bảo vệ an ninh làng, bản, thôn, xóm, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả của cách mạng. Lực lượng chính trị trong quần chúng nông dân được mở rộng và củng cố, trở thành chỗ dựa vững chắc của cách mạng.

Bắc Kạn là tỉnh được giải phóng đầu tiên trong cả nước, thoát khỏi tạm chiếm của thực dân Pháp từ ngày 9-8-1949. Nông dân các dân tộc Bắc Kạn sớm được hưởng một số quyền lợi kinh tế, ruộng đất khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về giảm tô, giảm tức ngay trong thời kỳ cả nước kháng chiến.

Sau khi tiếp quản thị xã, các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền chuyển về đóng ở thị xã. Các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh được tạo điều kiện phát triển và ngày càng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa của tỉnh, trong đó phải kể đến vai trò của Hội Nông dân. Đảng bộ tỉnh nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là nông dân để nâng cao tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, đồng thời củng cố, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.

Thực hiện Nghị quyết số 22 NQ-BK ngày 27/3/1950 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc chấn chỉnh lại Ban Chấp hành Nông dân, đồng chí Nông Văn Lạc được điều động giữ chức Bí thư Đảng đoàn Nông dân Cứu quốc tỉnh. Năm 1950, Hội đã chấn chỉnh xong bộ máy từ tỉnh đến xã, nhưng việc bổ túc, đào tạo cán bộ và giáo dục hội viên chưa làm được. Thành phần các tầng lớp trong Nông Hội: Trung nông vẫn chiếm đại đa số, trong Ban Chấp hành và các tổ trưởng thì trung nông lớp dưới và một số ít bần nông chiếm phần lớn; Thanh niên nam đã vào Nông Hội gần hết, nhưng nữ mới phát triển một ít.

Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nước ta chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền: miền Bắc tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Miền Nam tiếp tục tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hóa xã - hội theo con đường xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ miền Bắc, sẵn sàng đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cùng các thế lực phản động.

Cuối năm 1954, chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ ở Bắc Kạn cơ bản bị xóa bỏ, ưu thế về chính trị, kinh tế của nông dân được nâng cao. Ở miền núi, vùng cao, vùng sâu, nhiệm vụ cải cách dân chủ thực hiện chưa được nhiều, nhưng là nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, làm thất bại âm mưu chia rẽ dân tộc do bọn đế quốc, phong kiến gây ra.

Chiến tranh ngày càng lan rộng do Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra nhiều tỉnh, thành phố trên miền Bắc. Với mục đích phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh phù hợp với điều kiện mới, ngày 21-4-1965, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định hợp nhất hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Ngày 4-6-1965, hội nghị hợp nhất hai tỉnh được tiến hành và Bắc Thái được Trung ương chọn làm căn cứ địa, “Hậu phương trong hậu phương lớn” của tiền tuyến lớn miền Nam. Toàn tỉnh Bắc Thái có diện tích 8.600 km2 với trên 60 vạn dân. Khi được chọn làm căn cứ địa, nhiều công trình quốc phòng đặc biệt của Trung ương được triển khai trên địa bàn tỉnh, nhiều nhiệm vụ quan trọng và đột xuất được Trung ương giao cho nhân dân, nông dân các dân tộc Bắc Thái. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc càng tự hào là tỉnh quê hương cách mạng được Trung ương tin tưởng, quyết tâm phấn đấu vượt qua mọi thử thách gian lao hoàn thành mọi nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và Nhà nước giao.

Với tinh thần, hướng về miền Nam, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương; nông dân các dân tộc Bắc Thái đã bám ruộng đồng, bám trận địa, vững tay cày, chắc tay súng, không ngừng nâng cao năng suất lao động, chiến đấu bảo vệ quê hương và chi viện cho tiền tuyến lớn.

Trải qua 21 năm đầy khó khăn, gian khổ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được thắng lợi. Cách mạng nước ta bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Kể từ đây, nhân dân Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng cuộc sống mới tự do, ấm no, hạnh phúc. Nông dân Bắc Kạn cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh bước vào giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục nền kinh tế.

2. Sự ra đời và quá trình phát triển của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn

Theo Thông báo số 13-TB/TW của Ban Bí thư ngày 14/12/1978, thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về việc “phân vạch địa giới một số tỉnh và thành phố” ngày 29/12/1978, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa VI ra Nghị quyết phê chuẩn việc phân chia lại địa giới một số tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Thực hiện Nghị quyết, hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã (Ba Bể) thuộc Bắc Thái được tách ra, nhập vào tỉnh Cao Bằng.

Ngày 12/01/1979, Tỉnh ủy đã ra Quyết định số 61-QĐ/BT về việc chuyển giao hai Đảng bộ Ngân Sơn và Chợ Rã về trực thuộc Tỉnh ủy Cao Bằng. Như vậy, từ năm 1979, địa bàn tỉnh Bắc Kạn có ba huyện thuộc tỉnh Bắc Thái là Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì và hai huyện thuộc Cao Bằng là Ngân Sơn và Chợ Rã. Tổ chức Hội của huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã theo đó cũng được củng cố, kiện toàn, gắn với địa giới hành chính mới.

Ngày 27/6/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định tách Ban Trù bị Đại hội đại biểu Nông dân tập thể Trung ương thành một cơ quan riêng (trước đó nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Tiếp đó, Bộ Chính trị quyết định thành lập tổ chức thống nhất của giai cấp nông dân trong cả nước, có hệ thống từ trung ương đến cơ sở, lấy lên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam nhằm động viên nông dân trong cả nước thực hiện ba cuộc cách mạng ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.

Ở cấp tỉnh, Ban trù bị Đại hội mà thường trực là Ban Nông nghiệp Tỉnh ủy đã căn cứ vào hướng dẫn của Ban trù bị Trung ương về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Nông dân tập thể, đồng thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể giáo dục động viên xã viên nông dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, từng bước xây dựng nông thôn mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/BT ngày 14/4/1979 của Tỉnh ủy ngày về “tăng cường lãnh đạo công tác nông vận trong tình hình mới và tiến hành chuẩn bị đại Hội Nông dân tập thể toàn tỉnh lần thứ nhất”, Hội đồng Nông dân tập thể huyện, cơ sở đã phối hợp với Ban Thi đua và các đoàn thể giáo dục, vận động nông dân tập thể các hợp tác xã thi đua trở thành hợp tác xã lao động tiên tiến, lao động xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, từ ngày 27 đến ngày 28/5/1980, Hội nghị đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Bắc Thái được tổ chức. Trên cơ sở tiến hành tổng kết công tác của Hội và phong trào nông dân của tỉnh trong những năm sau khi đất nước thống nhất, Hội nghị thông qua mục tiêu, nhiệm vụ hoạt động trong thời gian tới. Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh, gồm 17 đồng chí. Đồng chí Dương Văn Thơ được Hội nghị tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh. Phó Chủ tịch Hội là các đồng chí Ma Thị Tô và đồng chí Hoàng Mộc.

Thực hiện Chỉ thị 116-CT/TW ngày 29/9/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với tổ chức và hoạt động của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam”, các cấp ủy Đảng và chính quyền đã quan tâm chỉ đạo nhằm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, xứng đáng là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân trong tỉnh.

Tháng 5/1984, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Bắc Thái lần thứ I được tổ chức. Đại hội đã bầu 27 đồng chí vào Ban Chấp hành, 6 đồng chí vào Ban Thường vụ, trong đó: đồng chí Huỳnh Hữu Ích làm Chủ tịch Hội; Phó Chủ tịch gồm các đồng chí Ma Thị Tô và đồng chí Hoàng Mộc.

Nhằm thúc đẩy phong trào nông dân trong toàn tỉnh đạt được những kết quả mới, Tỉnh Hội quyết định phát động phong trào thi đua 5 tốt: Vận động nông dân sản xuất, tiết kiệm, nâng cao đời sống. Chấp hành các chính sách của Đảng và Nhà nước, thể lệ nội quy của hợp tác xã tốt. Tham gia củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Củng cố tổ chức và hoạt động Hội tốt. Các cấp đều có điểm chỉ đạo tốt.

Để tập hợp, đoàn kết hội viên nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới, ngày 24/3/1987 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 05-CT/TW về tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam và Đại hội toàn quốc lần thứ I của Hội. Chỉ thị nêu rõ: “Cần xây dựng Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam vững mạnh, có hệ thống từ trung ương tới cơ sở”. “Hội là một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của nông dân lao động đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, có nhiệm vụ chủ yếu: tập hợp, đoàn kết, giáo dục nông dân nâng cao ý thức và năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nông thôn; tổ chức các phong trào hành động cách mạng của nông dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng, nhất là trong việc phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới và nông thôn mới xã hội chủ nghĩa; tham gia xây dựng và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, cơ chế quản lý… có liên quan đến nông dân và sản xuất nông nghiệp… Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ở trong khối dân vận, có quan hệ chặt chẽ với khối nông nghiệp”[1].

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Bắc Thái đã chỉ đạo các cấp Hội từ huyện đến cơ sở khẩn trương hoàn thành đại hội các cấp, chuẩn bị tốt cho đại hội cấp tỉnh. Từ ngày 17 đến ngày 19-9-1987, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh Bắc Thái lần thứ II được tổ chức, với sự tham dự của 200 đại biểu chính thức. Đại hội đã thông qua Báo cáo tóm tắt của Ban trù bị Trung ương trình Đại hội Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam lần thứ I; thông qua Báo cáo Kiểm điểm từ năm 1984-1987 và phương hướng nhiệm vụ 1987-1992 của Ban Chấp hành Tỉnh Hội; thông qua Báo cáo tổng kết Đại hội 2 cấp (cơ sở và huyện); thông qua bản Dự thảo Điều lệ Hội.

Công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh được Đại hội xác định là một trong những nhiệm vụ nhằm triển khai và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Nông dân tập thể khóa II, nhiệm kỳ 1987-1992 gồm có 31 đồng chí; Ban Thường vụ Hội có 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thanh Thủy được Đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội; Phó Chủ tịch Hội gồm các đồng chí Ma Thị Tô và đồng chí Nguyễn Xuân Sang.

Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh lần thứ II diễn ra thành công đã mở ra một bước ngoặt trong quá trình vận động, cán bộ, hội viên, nông dân tin tưởng, tích cực thực hiện đường lối, chính sách đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và để đáp ứng yêu cầu của phong trào nông dân trong giai đoạn cách mạng mới, đồng thời theo đề nghị của Đại hội Hội Liên hiệp Nông dân tập thể các tỉnh, thành phố và đề nghị của Ban Trù bị Đại hội Trung ương Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam, ngày 1-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 42-QĐ/TW đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Từ ngày 27 đến ngày 29-3-1988, Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ I diễn ra tại Hà Nội. Đại hội đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam và chính thức thành lập hệ thống tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở.

Nhằm đưa nghị quyết, chính sách mới của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn sản xuất và đời sống nông dân trong tỉnh, ngay sau khi Đại hội Hội Liên hiệp Nông dân tập thể tỉnh lần thứ II kết thúc, Tỉnh Hội đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp quán triệt, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ chuyên trách các huyện, thành, thị về các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Như vậy, từ năm 1987 đến năm 1992, hệ thống tổ chức của Hội Liên hiệp Nông dân tập thể của Bắc Thái được củng cố từ tỉnh đến cơ sở. Hội Nông dân là một tổ chức quần chúng mới được kiện toàn, song dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể tạo điều kiện cho Hội đi vào củng cố về mặt tổ chức và thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Bước đầu, Hội đã thể hiện được bản chất là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân trong toàn tỉnh; là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nông dân; là chỗ dựa của chính quyền ở nông thôn.

Công tác xây dựng, tổ chức Hội trong những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX có nhiều chuyển biến mới. Tiến tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Thái lần thứ III, Tỉnh Hội tập trung chỉ đạo các huyện, thị tiến hành đại hội tổng kết nhiệm kỳ hoạt động. Đến tháng 6-1992, Tỉnh Hội đã chỉ đạo hoàn thành đại hội ở cấp huyện, thành, thị. Sinh hoạt của các Ban Chấp hành huyện Hội được duy trì đều đặn, nội dung phân công từng thành viên Ban Chấp hành rõ hơn và nhiều huyện đã đi vào chỉ đạo chuyên đề từng mặt công tác Hội. Tỉnh Hội đã tập trung chuẩn bị nội dung cho việc tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ III đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra.

Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Thái lần thứ VI, tháng 8-1992, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Thái lần thứ III, nhiệm kỳ 1992-1997 được tổ chức. Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Đại hội đã đánh giá khách quan tình hình tổ chức Hội và phong trào nông dân trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới; nhìn nhận những mặt yếu kém về tổ chức, tư tưởng, chất lượng hoạt động của các cấp Hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa III, nhiệm kỳ 1992-1997 gồm có 25 đồng chí; Ban Thường vụ Hội gồm có 5 ủy viên: đồng chí Nông Văn Thụ[2]-Chủ tịch Hội, các đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Nguyễn Quang Chiêu, Nguyễn Văn Tám, Dương Đức Hạnh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Đại hội đã xác định mục tiêu trong 5 năm 1992-1997, đó là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức vận động nông dân tham gia Hội; phát động phong trào hành động cách mạng của nông dân với khẩu hiệu “Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới” để cùng với nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh phấn đấu ổn định và phát triển kinh tế xã hội, hình thành cơ cấu kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhằm cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giữ vững, ổn định chính trị và xây dựng tổ chức Đảng ở địa phương.

Thực hiện Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ mười (khóa IX), tỉnh Bắc Kạn được tái lập trên cơ sở sáp nhập các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Na Rì, thị xã Bắc Kạn của tỉnh Bắc Thái và hai huyện Ngân Sơn và Ba Bể của tỉnh Cao Bằng. Bộ Chính trị ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh gồm có 35 đồng chí; Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời có 11 đồng chí. Đồng chí Hà Văn Phụng được cử làm Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hà Sĩ Toàn và đồng chí Phan Thế Ruệ làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Sau 13 ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn, Ban Chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh được thành lập. Ngày 13-1-1997, căn cứ vào Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, căn cứ vào công văn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân ra Quyết định số 19-QĐ/HND, thành lập Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và chỉ định Ban Chấp hành lâm thời gồm 13 đồng chí, do đồng chí Phùng Văn Huyên làm Chủ tịch. Ngay từ khi thành lập, Ban Chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng chương trình, nội dung hoạt động trên cơ sở đánh giá tình hình tổ chức bộ máy, tình hình phong trào nông dân trên địa bàn, đối chiếu với các yêu cầu, mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội theo các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh Hội chủ trương tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chế độ chính sách để nông dân có cơ hội tiếp cận các kênh dẫn vốn và sử dụng đồng vốn.

Thực hiện Quyết định số 28/QĐ-TU, ngày 14-2-1997 của Tỉnh ủy về việc thành lập bộ máy tổ chức, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn được thành lập. Đây là một bước phát triển quan trọng trong quá trình củng cố, xây dựng tổ chức Hội của giai cấp nông dân trong tỉnh, tạo sức bật mới trong quá trình vận động, giác ngộ, tập hợp quần chúng nông dân tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh và chương trình công tác năm 1997, Thường trực tỉnh Hội đã tiến hành nhận bàn giao tổ chức Hội 2 huyện Ngân Sơn và Ba Bể chuyển từ tỉnh Cao Bằng về. Như vậy, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tổ chức của Hội Nông dân được hình thành từ 6 đơn vị cấp huyện (gồm có thị xã Bắc Kạn, Ngân Sơn, Na Rì, Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông). Tỉnh Hội đã chỉ đạo huyện Hội Ngân Sơn và Ba Bể nhanh chóng ổn định tổ chức, bầu bổ sung Ban Chấp hành, kiện toàn bộ máy.

Ngày 14 và 15/4/1998, sau hơn một năm tái lập tỉnh, Đại hội Đại biểu nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, nhiệm kỳ 1998- 2003 được tiến hành. Tham dự Đại hội có 91 đại biểu chính thức thay mặt cho 21.900 hội viên nông dân các dân tộc trong toàn tỉnh. Chủ đề của Đại hội là: Tiếp tục đổi mới tổ chức xây dựng Hội, nâng cao vai trò nòng cốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới. Đại hội đã nghe và thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành lâm thời Hội Nông dân tỉnh về “Tổng kết phong trào nông dân và công tác Hội nông dân nhiệm kỳ năm 1992-1997, phương hướng nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kỳ 1998-2003”. Đại hội bầu Ban Chấp hành khóa IV gồm 19 đồng chí, do đồng chí Phùng Văn Huyên làm Chủ tịch, các đồng chí Hoàng Văn Lợi, Nông Thị Lộc làm Phó Chủ tịch. Đại hội xác định một số chỉ tiêu cơ bản về công tác Hội và phong trào nông dân trong nhiệm kỳ 2003-2008: nâng tỷ lệ từ 53% lên 60% số hộ nông dân tham gia Hội; 100% thôn, bản có tổ chức Hội; 60% xã, phường đạt tiêu chuẩn Hội vững mạnh; 30% gia đình hội viên đạt "6 tiêu chuẩn" do Trung ương Hội đề ra; không còn gia đình hội viên nghèo đói.

 Ngày 12 và 13/6/2003, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ V được tổ chức, chủ đề Đại hội là: Nâng cao năng lực hoạt động của tổ chức Hội, đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đại hội đã bầu 22/23 uỷ viên Ban Chấp hành khóa mới (khuyết 1 đồng chí cơ cấu cho Hội Nông dân huyện Pác Nặm), trong đó Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, do đồng chí Phùng Văn Huyên làm Chủ tịch, các đồng chí Hoàng Văn Lợi, Nông Thị Lộc làm Phó Chủ tịch. Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ V đề ra phương hướng nhiệm vụ của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2003-2008. Mục tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ là: 100% cán bộ Hội đều được tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; đưa bản tin nông dân đến 100% cơ sở chi hội; 100% cơ sở Hội (xã, phường, thị trấn) có báo đọc; nâng tỷ lệ hộ hội viên so với hộ nông dân từ 70% lên 75% năm 2008; xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân đạt 50 nghìn đồng/ hội viên; mỗi cơ sở Hội đạt 20 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp đạt 30%, 5% đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh trở lên; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo còn dưới 10%; 30% chi hội (thôn, bản) đạt làng bản văn hóa; 40% hộ hội viên nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Ngày 16 và 17/7/2008, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ VI được tổ chức, với sự có mặt của 192/194 đại biểu được triệu tập. Đại hội thảo luận, góp ý kiến xây dựng: Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội và Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành khóa 2003-2008, đề ra phương hướng công tác của nhiệm kỳ mới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn khoá VI, nhiệm kỳ 2008-2013, gồm 25 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ có 7 đồng chí, do đồng chí Ma Thế Chương làm Chủ tịch, các đồng chí Hà Thị Phần, Nông Quang Nhất làm Phó Chủ tịch.

Ngày 15 – 16/4/2013, tại Trung tâm văn hoá tỉnh, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn lần thứ 7, nhiệm kỳ 2013 - 2018 được tổ chức. Về dự Đại hội có 239 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 46 nghìn cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh tiêu biểu cho trí tuệ, sức mạnh đoàn kết của nông dân Bắc Kạn. Đại hội với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, chủ động hội nhập và phát triển bền vững". Đại hội đã thảo luận, góp ý kiến xây dựng: Báo cáo tổng kết hoạt động của Hội và Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2008-2013, đề ra phương hướng công tác của nhiệm kỳ 2013 - 2018. Đại hội bầu Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn khoá VII, nhiệm kỳ 2013-2018 gồm 26/27 đồng chí (khuyết 01 đồng chí), trong đó Ban Thường vụ có 8 đồng chí (khuyết 01 đồng chí), do đồng chí Lưu Văn Quảng làm Chủ tịch, các đồng chí Lưu Thị Cảnh, Trần Thị Thu Hương làm Phó Chủ tịch.

Trong chặng đường 16 năm, kể từ ngày tái lập tỉnh Bắc Kạn (1997-2013), đời sống kinh tế - xã hội của nông dân đã có những biến chuyển tích cực. Đại bộ phận cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh đã tích cực vươn lên, xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Bắc Kạn đã không ngừng phát triển, lớn mạnh. Tổ chức bộ máy của các cấp Hội luôn được củng cố và kiện toàn về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có trên 46.000 hội viên, chiếm 85% so với tổng số hộ sản xuất nông - lâm nghiệp (năm 1997 chỉ có 53%), 15,2% hội viên là đảng viên; 1.397 chi hội, đạt 100% so với tổng số thôn bản có nông dân. Hoạt động của các cấp Hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra./.

***********************************************************************************************************************************************************************************************************************************************************

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC KẠN: http://hoinongdantinhbackan.org.vn

Địa chỉ: Tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Giấy phép hoạt động: Số 77/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 13/10/2023.

Trưởng Ban Biên tập: Đ/c Ngô Thị Hoanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn.

Điện thoại: 0209.3879.818; 0209.3871.821.

Email: bantuyenhuanhndbk@gmail.com

*Ghi rõ nguồn: Cổng Thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn hoặc 

"hoinongdantinhbackan.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.