BBK
- Bước vào hội nhập, nông dân Bắc Kạn từng bước phải thay đổi từ tư duy
cho đến cách thức tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường. Để đáp ứng yêu cầu
phát triển nhanh và bền vững, nông dân cần được trang bị tốt hơn về kiến thức,
kỹ năng, thái độ trong sản xuất và đổi mới, sáng tạo không ngừng.
“Tri thức hóa” nông dân
Chi cục
Trồng trọt, bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông, lâm thủy sản tỉnh Bắc
Kạn vừa tổ chức 04 đợt tập huấn cho 1.069 lượt nông dân tại xã Hòa Mục (huyện
Chợ Mới) về kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải nhà kính. Đây là
một nội dung trong mô hình sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải nhà kính vụ
mùa năm 2024 được triển khai thực hiện tại 5 thôn của xã Hòa Mục. Thông qua tập
huấn, bà con nông dân được nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu và tác động
của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa, qua đó hướng tới sản xuất nông nghiệp
bền vững.
Thông qua các lớp tập huấn, nông dân Bắc Kạn đã
ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng
Sản xuất
nông nghiệp hàng hóa hiện nay không chỉ làm theo tập quán, thói quen mà phải có
kiến thức, kỹ thuật, nắm bắt được quy trình để nông dân phát huy vai trò chủ
thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các lớp tập
huấn, hội thảo, báo chí truyền thông hay mạng xã hội, nông dân toàn tỉnh đang
từng bước trang bị cho mình nền tảng kiến thức về nông nghiệp, ứng dụng khoa
học công nghệ để chuyển động cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
nông nghiệp, nông thôn.
Những “lão
nông tri điền” ngày nay, ngoài kinh nghiệm vốn có, họ cũng đang tự đổi mới
chính mình bằng tri thức, đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Có tri
thức, nông hộ biết tối ưu hóa quy trình sản xuất, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ
thuật để tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích
canh tác.
Cùng với
sự đổi mới về tư duy, cách làm của các hộ nông, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã
có những “trợ lực” khuyến khích nông dân, lao động nông thôn học nghề, nâng cao
trình độ chuyên môn gắn với các mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hội
Nông dân phối hợp với ngành chuyên môn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho
nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện
để thành lập hợp tác xã, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hoá nông
dân" và giữ vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong truyền nghề, liên kết các hộ
nông trên địa bàn. Công tác tuyên truyền về thông tin đối ngoại và hội nhập
quốc tế cho cán bộ, hội viên, nông dân cũng được quan tâm nhằm nâng cao nhận
thức về tình hình trong nước và quốc tế. Đồng thời, tăng cường công tác đào
tạo, nâng cao trình độ, năng lực của nông dân theo hướng “tri thức hóa nông
dân”.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức
246 lớp dạy nghề, thu hút 9.370 hội viên tham gia; mở 4.443 lớp tập huấn chuyển
giao khoa học kỹ thuật cho hơn 205.400 lượt hội viên; thành lập được 320 chi, tổ
hội nông dân nghề nghiệp. Hiện, toàn tỉnh có 21.565 lượt hộ đạt hộ sản xuất
kinh doanh giỏi các cấp.
Chuyên nghiệp hóa sản xuất
Với nền
kinh tế chủ lực là sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chính sách,
chương trình, đề án nhằm thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững theo
hướng sản xuất hàng hóa. Để tạo sự đột phá ngành Nông nghiệp, thực hiện mục
tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thì người nông dân
phải hướng đến sự chuyên nghiệp, trong đó dành nhiều quan tâm đến việc liên kết
sản xuất, kinh doanh và chuẩn hóa sản phẩm.
Trong bối
cảnh hội nhập quốc tế, nông sản bản địa có nhiều cơ hội vươn ra thị trường
ngoài nước. Tuy nhiên, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu
chuẩn sẽ khó cạnh tranh và tiếp cận thị trường lớn. Nhìn nhận rõ điều này, hội
viên nông dân trong tỉnh đã tích cực tham gia thành lập các hợp tác xã, tổ hợp
tác để liên kết hợp tác trong sản xuất, kinh doanh.
Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành Là HTX duy nhất
trên địa bàn tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương HTX tiêu
biểu xuất sắc năm 2024.
Giai đoạn
2021-2024, Hội Nông dân các cấp đã tư vấn, hỗ trợ thành lập được 78 HTX với 725
thành viên, 744 tổ hợp tác gồm 7.217 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh
vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản và dịch vụ. Nhiều HTX đã xây dựng
mô hình sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi giá trị như:
Mô hình trồng lúa Bao thai, lúa Japonica ở Chợ Đồn; trồng bí xanh thơm, lúa nếp
Tài hữu cơ, sấy khô nông sản ở Ba Bể; chăn nuôi trâu, bò vỗ béo ở Pác Nặm…
Để đáp ứng
xu thế hội nhập trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh
vực, Hội Nông dân tỉnh và Bưu điện tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông
dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa giai đoạn 2021 –
2025. Nông sản của tỉnh đã được kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các
hội chợ, triển lãm, tham gia các sàn giao dịch thương mại nông sản, sàn thương
mại điện tử Postmart.vn… Đến nay, toàn tỉnh có trên 10.200 hộ nông dân có tài
khoản trên sàn giao dịch điện tử; có 309 mã nông sản được đưa lên sàn thương
mại điện tử.
Theo Chủ
tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, ông Cao Minh Hải: Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh
đang tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20-12-2023 của
Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt
Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Chú trọng đổi mới
sáng tạo, nâng cao năng suất, hội nhập quốc tế gắn với phong trào “Nông dân thi
đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Khai thông nguồn lực từ doanh nghiệp và Nhân dân, khai thác tốt tiềm năng, thế
mạnh sẵn có, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số,
đổi mới cách nghĩ, cách làm, đáp ứng yêu cầu hội nhập trong tình hình mới./.
Nguồn:
Trang Lê - Hà Nhung/baobackạn.com