image banner
Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo giả làm người giao hàng
Lượt xem: 12

BBK -Rất nhiều người mua hàng lại không nhớ rõ mình đặt mua những gì vì… mua quá nhiều. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả danh người giao hàng (shipper) để lừa đảo người tiêu dùng với hình thức tinh vi, xảo quyệt.

 

Trả tiền… nhận áo rách

Các đối tượng lừa đảo dày công "đặt bẫy" bằng gửi các món quà nhỏ tạo niềm tin.

Gần 01 tháng trước, chị B.G.H công tác tại khối đoàn thể của tỉnh đang ra ngoài có việc thì nhận được điện của shipper quen báo có đơn hàng từ Shopee. Không kịp về nhận, chị dặn shipper gửi hàng lại cơ quan rồi chuyển khoản. Gói hàng được đóng cẩn thận, có địa chỉ và số điện thoại của nơi bán hàng, tuy nhiên khi mở ra chị H giật mình, xen lẫn bực tức vì nhận được chiếc áo cũ và rách tươm. Ngay lập tức chị H gọi điện vào số máy có ghi trên đơn hàng nhiều lần nhưng không có ai nghe máy. Khoảng 15 phút sau, đơn hàng thật lại được shipper chuyển đến.

Chị H boăn khoăn: “Tài khoản riêng của mình đăng ký để mua hàng online trên Shopee không hiểu sao lại bị lộ lọt thông tin về địa chỉ, số điện thoại và cả loại hàng hóa đặt mua?”.

Chiếc khăn mặt nhỏ trị giá khoảng 10.000 đồng được các đối tượng xấu sử dụng làm mồi nhử trước khi thực hiện hành vi lừa đảo trên môi trường mạng.

Dày công “đặt bẫy”

Đang đi làm, anh N.X.H nhận được cuộc gọi từ số điện lạ: “Có phải anh H, ở số nhà…, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn đang nghe máy không. Anh được Tiktok gửi tặng món quà tri ân”. Mặc dù anh H. từ chối vì mình không dùng mạng xã hội Tiktok, nhưng đầu dây bên kia kiên quyết bảo sẽ gửi quà. 05 ngày sau, quả nhiên anh H nhận được gói quà là chiếc khăn mặt nhỏ, trị giá khoảng 10.000 đồng. Xác nhận “con mồi” đã nhận hàng, đối tượng lừa đảo lập tức gọi điện chúc mừng và thông báo còn món quà trị giá 700.000 đồng tặng anh, nhưng anh cần đăng nhập vào app của hãng để xác nhận. Biết mình đang bị “giăng bẫy” anh H không làm theo mà tắt điện thoại.

Không riêng anh H, thời gian gần đây rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh nhận được những món quà tương tự. Đây là cách thức các đối tượng lừa đảo “đặt bẫy” bằng cách tạo niềm tin từ những món quà nhỏ. Thực tế đã có nhiều người dân, cả cán bộ, công chức cũng bị “sập bẫy” sau khi làm theo hướng dẫn của bọn chúng.

Mạo danh Shipper để lừa đảo

Các đối tượng lợi dụng thói quen mua hàng online để mạo danh shipper gọi điện giao đơn hàng có giá trị nhỏ. Chúng thường chọn lúc người dân không có mặt ở nhà (giờ hành chính) để thông báo giao hàng và cung cấp tài khoản yêu cầu thanh toán online. Một số người dân vì không nhớ rõ các đơn hàng đã đặt và thấy giá trị đơn nhỏ nên đã chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu của đối tượng. Sau khi nhận tiền, “shipper” tiếp tục liên lạc để thông báo cho người dân nội dung giả mạo: "Shipper gửi nhầm tài khoản hội viên giao hàng, anh/chị gửi tiền vào tài khoản này đã kích hoạt gói cước hội viên, nếu không hủy đăng ký, mỗi tháng sẽ tự động bị trừ phí hội viên từ tài khoản ngân hàng cá nhân".

Khi người dân tỏ ra lo lắng về việc có thể bị trừ tiền, đối tượng sẽ gửi một đường link Facebook và giới thiệu là trang của trung tâm để liên hệ hủy đăng ký hội viên. Sau khi người dân liên hệ và nhắn tin theo hướng dẫn của shipper giả mạo, sẽ có đối tượng gọi điện, nhắn tin cho người dân để hướng dẫn thực hiện các thao tác "hủy đăng ký" và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc đăng nhập vào các đường dẫn để nhập thông tin phục vụ việc hủy đăng ký. Các thông tin này sẽ bị chúng lợi dụng để cài đặt phần mềm độc hại lên điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng cá nhân.

 

 Cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các đối tượng xấu trên không gian mạng

 

Khuyến cáo từ cơ quan Công an

Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Đội trưởng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết:Thời gian gần đây, lực lượng Công an tỉnh nhận được một số thông tin liên quan đến các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giả mạo nhân viên giao hàng (shipper). Đây là hình thức lừa đảo không mới nhưng thủ đoạn của chúng biến tướng, tinh vi và xảo quyệt hơn. Để phòng ngừa thủ đoạn trên, Công an tỉnh đưa ra khuyến cáo như sau: Nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo; không lo lắng trước các thông báo "vô lý" từ các đối tượng qua điện thoại và mạng xã hội. Luôn cảnh giác với yêu cầu chuyển tiền trước cho các đơn hàng không rõ ràng; kiểm tra kỹ thông tin trước khi thanh toán. Không nhấp vào các link (đường dẫn truy cập) do người lạ gửi, đặc biệt từ các tài khoản mạng xã hội và tin nhắn SMS. Trong trường hợp nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng; đồng thời liên hệ với cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Bắc Kạn để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.

Nguồn: Xuân Nghiệp/ baobackan.vn

1 2 3 4 5 

***********************************************************************************************************************************************************************************************************************************************************

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC KẠN: http://hoinongdantinhbackan.org.vn

Địa chỉ: Tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Giấy phép hoạt động: Số 77/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 13/10/2023.

Trưởng Ban Biên tập: Đ/c Ngô Thị Hoanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn.

Điện thoại: 0209.3870.577

Email: bantuyenhuanhndbk@gmail.com

*Ghi rõ nguồn: Cổng Thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn hoặc 

"hoinongdantinhbackan.org.vn" khi phát hành lại thông tin từ Website này.

image banner
 QR Code Website Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn