Hội viên nông dân làm kinh tế tổng hợp cho thu nhập hằng năm trên 900 triệu đồng
Bằng sự năng động và khát vọng
làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Vi Hoàng Sơn, sinh 1978, hội viên chi hội
nông dân thôn Bó Lếc, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạnh đầu
tư trồng trọt, chăn nuôi trên 28 ha đất đồi rừng, trong đó thiết kế làm trang
trại 8,5 ha, trở thành gương nông dân làm kinh tế giỏi của
địa phương, mấy năm gần đây bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 900 triệu đồng
sau khi đã trừ chi phí, 3 năm liền đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Từ năm 1997 bố mẹ anh Sơn đã trồng quýt giống địa phương ở dưới khe đồi
của gia đình nhưng mỗi loài chỉ vài chục cây trồng theo kinh nghiệm cũ nên hiệu
quả kinh tế rất thấp. Năm 2025 sau khi tốt nghiệp khoa nông học trường đại học
Nông Lâm Thái Nguyên, anh ở nhà tập trung vận dụng kiến thức học được cải tạo lại
vườn quýt và trồng thêm mới cả quýt, cam nâng diện tích cây có múi gia đình lên
02 ha, đến mùa quả cho gia đình anh nguồn thu khá và bắt đầu có tích lũy vốn.
Những năm sau này khi vườn cam, quýt giống địa phương già cỗi, cộng với
giá cả không ổn định anh đi học hỏi kinh nghiệm và chuyển toàn bộ vườn cam,
quýt sang trồng hồng không hạt. Đến nay anh vườn hồng 1.600 cây của anh thì
1.200 cây đã cho quả, năm 2024 sau khi trừ chi phí thu về 300 triệu đồng.
Anh Sơn kiểm tra sâu, bệnh vườn cây hồng không hạt của gia đình
Đặc biệt anh Sơn là hộ đầu tiên trong vùng mạnh dạn đưa cây ăn quả mác
cọt vào trồng dưới khe đồi, giờ trồng được 200 cây thì 40 cây đã cho thu hoạch.
Năm 2024 cho sản lượng 4 tấn, bán 25.000đ/kg, trừ chi phí cho thu nhập 80 triệu
đồng. Giống như hồng không hạt quả mác cọt rất thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng
địa phương, hiện cung không đủ cầu, phục vụ khách Quảng Ninh, Hà Nội, Thái
Nguyên. Dự kiến anh sẽ mở rộng diện tích trồng hai loại cây này.
Ngoài ra anh còn đi đầu trồng hàng trăm cây giống mận sớm và 70 cây lê
VH6, nhưng vài năm nay giá mận sớm thấp nên anh loại bỏ dần và trồng xen hồng
không hạt. Cùng với đó trồng 50 gốc cam sành đã cho thu quả. Năm 2024
trừ chi phí anh thu từ giống lê và giống cam này 35 triệu đồng.
Không chỉ trồng trọt, anh còn đầu tư xây hai dãy chuồng lợn khép kín
600 triệu đồng, nuôi gối ba lứa lợn thịt giống siêu nạc. Tận dụng phân lợn đã
qua xử lý để bón cây ăn quả. Năm 2024 mỗi lứa 80 con, trừ chi phí giống, thức
ăn, công chăm sóc, thuốc thú y cho thu nhập 500 triệu đồng. Năm 2025 dự kiến
nuôi gối 4 lứa, mỗi lứa 160 con. Đồng thời nuôi gà thả đồi giống gà ta địa
phương và gà xương đen bán thịt trong năm thu lãi 15 triệu đồng sau trừ chi phí.
Khu đồi của gia đình có nhiều loại hoa, nhất là mùa hoa mác cọt nở nên anh đặt
30 thùng ong rừng để lấy mật. Anh Sơn chỉ sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ
dịch bệnh cây trồng, vật nuôi để không ảnh
hưởng đến đàn ong và chất lượng mật ong. Mỗi năm thu lấy mật một lần và cho sản
lượng 200 lít thu thêm 60 triệu đồng năm 2024.
Anh Vi Hoàng Sơn chia sẻ: "Để phát triển kinh tế, ngoài chăm chỉ,
cần cù, chịu thương chịu khó thì cần phải thay đổi tư duy, sáng tạo và dám thử
sức ở nhiều lĩnh vực. Và để có được thành quả ngày hôm nay là cả sự nỗ lực
không ngừng, không lùi bước trước khó khăn, thử thách của bản thân, gia đình và
sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cấp, ngành địa phương, nhất là các cấp Hội Nông
dân trong tỉnh".
Anh Lý Quốc Văn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Lực nhận
xét: "Trang trại của anh Sơn cho thu
nhập cao và ổn định và còn là địa điểm cho sinh viên thực tập nhiều năm nay,
anh là tấm gương hội viên nông dân điển hình vượt khó, nỗ lực vươn lên phát
triển kinh tế làm giàu chính đáng trên địa bàn xã. Không chỉ giúp gia đình làm
giàu ổn định cuộc sống, anh Sơn còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao
động địa phương và các hộ khó khăn trong xã cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất
quê hương".
Với những cố gắng của bản thân, anh Vi Hoàng Sơn đã
nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Nông dân các cấp từ cơ sở đến
Trung ương Hội./.
Dương
Cử - Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn